Hồng Môn Yến

Thắng – thua, được – mất chỉ nằm ở một ván cờ

Cast: Lê Minh, Phùng Thiệu Phong, Trương Hàm Dư, Huỳnh Thu Sinh, Lưu Diệc Phi và Trần Tiểu Xuân.

Trailer:

Xem phim tại ĐÂY!

Phim dài tập từ lâu đã là lựa chọn cho nhiều cuốn phim về lịch sử. Không bị ràng buộc nhiều về thời gian, câu chuyện lịch sử dẫn dắt người xem đi qua một giai đoạn của một triều đại với đầy đủ các yếu tố xen lẫn. Nhưng đối với phim điện ảnh, thời lượng phim chính là thử thách đối với các nhà làm phim. Tất cả hoàn cảnh, điểm nhấn, chi tiết và kể khắc hoạ nhân vật phải được gói gọn, truyền tải đầy đủ chỉ trong bộ phim dài 90 đến 120 phút. Hồng Môn Yến là một lát cắt của giai đoạn hậu Tần, Hán-Sở tranh hùng đầy màu sắc, âm vị lẫn chân dung những con người đương thời. Bộ phim dựa trên sự kiện Hồng Môn Yến, bữa tiệc cũng như sự kiện then chốt trong giai đoạn Hán-Sở tranh hùng. Hồng Môn Yến mở đầu với những phát thảo về nguyên nhân đằng sau sự đối đầu của hai phe, bối cảnh của bữa tiệc ở Hồng Môn. Nhưng Hồng Môn Yến chỉ thật sự khai màn với sự bùng nổ của cuộc phân tranh giữa Tây Sở do Hạng Vũ lãnh đạo và Hán do Lưu Bang đứng đầu cùng một loạt anh hùng, quân sư tài ba đương thời. Bộ phim thành công trong cách dàn dựng kịch bản, dẫn dắt câu chuyện như đưa người xem đến một trận cờ vây kịch tính. Thế nên bài viết này sẽ tập trung khai thác cách dàn dựng câu chuyện, kịch bản của phim.

Xuyên suốt cả bộ phim, Hồng Môn Yến như đưa người xem đi hết một ván cờ vây với những cao thủ và chiến thuật vây cờ đầy kịch tính. Cả bộ phim không hề có điểm khuất trắc đặt ra từ đầu. Thay vào đó, bộ phim chuyển động theo dòng chảy của lịch sử từ cuộc nổi dậy chống nhà Tần đến bữa tiệc và cuối cùng là sự ra đời của nhà Hán cùng sự chiến thắng của Lưu Bang. Cuộc chiến dai dẳng giữa Tây Sở và Hán suy cho cùng cũng như một ván cờ vây. Một bước tiến triển trong cuộc chiến là một nước cờ được hạ xuống. Đến cuối cùng, Trương Lương (quân sư của Lưu Bang) mới nhìn rõ được ai là bạn, ai là thù. Đến cuối cùng, Lưu Bang, kẻ dường như thắng bàn cờ, lại không ngờ đến việc sa chân vào cái bẫy giăng sẵn. Đến cuối cùng, chúng ta vẫn sẽ hỏi rằng có phải Phạm Tăng (quân sư của Hạng Vũ) thật sự thua ván cờ này không.

Cả cuộc chiến cho cùng là một trận cờ vây.

Ngoài miêu tả trận đấu và ván cờ, bộ phim đã thành công trong việc tái hiện Lưu Bang và Hạng Vũ trong bối cảnh và góc nhìn sâu sắc hơn. Xem Hồng Môn Yến, chúng ta sẽ vẫn tự hỏi mỗi người chơi ván cờ đó thắng hay thua. Điều rất hay trọng việc tái hiện hai nhân vật này chính là, bộ phim không thiên vị bất kì ai mà ở mỗi nhân vật có những điểm riêng. Và chính những điều đó làm nên họ, làm nên tên tuổi họ trong sử sách và làm nên kết cục của họ. Bộ phim khắc họa Lưu Bang, vị vua khai triều nhà Hán, không phải là một anh hùng chiến trận cũng không phải một gã tồi. Điều duy nhất chính là, Lưu Bang chính là vị vua được định sẵn trong chiến loạn với những phẩm chất đúng đắn của đấng cầm đầu đất nước. Lưu Bang không cầm quân giỏi, không mưu lược nhưng ông biết cách thâu tóm ván cờ. Ông hoàn toàn biết dùng người và khiến cho những bậc kì tài như Trương Lương, Hàn Tín, Phàn Khoái phò trợ ông xoay chuyển ván cờ đi đến chiến thắng. Đó là điều cốt lõi giúp ông chiến thắng Hạng Vũ.      

Lưu Bang thắng cả thiên hạ về tay, lập nên vương triều nhà Hán trong sự biết ơn và tôn trọng của con cháu nhà họ Lưu. Nhưng bộ phim khiến chúng ta thấy rằng đó cũng không hẳn là chiến thắng. Ông ta dần loại bỏ những người đã cùng ông đoạt lấy giang sơn như Trương Lương, Hàn Tín, Tiêu Hà và Phàn Khoái. Quyền lực đẩy họ đi xa dần. Dần dần, Lưu Bang mất đi khả năng tin tưởng người khác, kể cả những người tòng mưu tòng sự cùng ông từ lúc sơ khai. Điều duy nhất Lưu Bang có thể làm để tưởng niệm những người quan trọng trong cuộc đời mình chính là đặt những bài vị không tên tại di tích Hồng Môn. Chi tiết này rất nhân văn và đắt giá. Ít nhất, Lưu Bang vẫn nhớ đến họ, trân trọng họ dù đã xuống tay như cái cách ông làm với tư cách là một vị vua cần củng cố quyền lực.

Lưu Bang hay Hạng Vũ cũng chẳng phải người thắng, kẻ thua.

Ở một phạm trù khác, Hạng Vũ hiện lên với tư cách là một vị tướng tài ba đáng được tưởng thưởng. Tiếc rằng ông không gặp thời. Nhưng ông không phải một vị “chân mệnh thiên tử” như Lưu Bang. Hạng Vũ tàn sát trong các cuộc chiến, nổi danh với sự máu lạnh và tàn bạo. Đương thời, những người dân chịu cảnh cơ cực, phân li chỉ mong mỏi sự thương xót, đồng cảm của những người cầm đầu. Vậy nên Hạng Vũ thua Lưu Bang ở việc lấy lòng dân cũng như đánh mất sự ủng hộ của quần chúng. Khi mọi người quay lưng với ông, chỉ có giai thoại về tình yêu của ông và Ngu Cơ là minh chứng cho tình yêu không có giới hạn, hay mưu đồ chính trị. Bộ phim cũng tái hiện phân cảnh Bá Vương Biệt Cơ nổi tiếng theo một cách riêng. Dù vẫn còn những chi tiết không chính xác với lịch sử, giai thoại ấy như là một phần thưởng cho Hạng Vũ. Hạng Vương mất quân sư, mất vị thế, mất tất cả. Nhưng ông có được một tri kỉ luôn yêu thương, tin tưởng và sẵn sàng theo ông đến tận cùng. Hồng Môn Yến đặt hai vị lãnh đạo vào đúng vị thế của họ, cân bằng giữa “được” và “mất”, “tốt” và “xấu” của họ. Sự cân bằng và công bằng này không làm giảm đi hình ảnh của bất kì ai mà ngược lại lại tăng tính hình tượng của nhân vật.

Tóm lại, Hồng Môn Yến là một tác phẩm tuyệt vời về sự kiện lịch sử cùng tên. Không plot-twists. Bộ phim đưa khán giả đến xem một ván cờ vây qui mô to lớn, với những cao thủ cờ vây, chiến thuật thông suốt, trận đấu hoành tráng và chiến thắng không rõ ràng. Điểm đặt biệt của phim chính là, bộ phim không ưu ái Lưu Bang hay Hạng Vũ hơn ai. Chỉ là Hồng Môn Yến đem đến một bức tranh công bình và bài học về “được – mất”, “thắng – thua”. Cốt truyện cũng nhắc rằng chiến tranh thật sự tàn khốc đến mức nào. Người thắng cũng có thể đánh mất bản thân mình. Kẻ thua không chừng lại nhận về phần thưởng mình đáng có.

White Vengeance (Hong Men Yen)


I would be glad to hear from you!